2

    Chuyên mục

      • |
      • Lối sống xu hướng

      Những cặp vợ chồng ly hôn ở tuổi ngoài 60

      4 tháng trướcAdministrator

      'Biết thế tôi ly hôn từ mấy chục năm trước', người phụ nữ 63 tuổi ở TP HCM nói sau khi ly hôn người chồng gắn bó suốt 35 năm.

      Bà Hoàng Thu 63 tuổi (Quận 2, TP HCM) và ông Anh Tuấn (66 tuổi) có 35 năm hôn nhân và hai con đã trưởng thành. Họ có ba bất động sản đứng tên hai vợ chồng trị giá lên tới vài chục tỷ đồng. 13 năm trước, bà Thu phát hiện chồng ngoại tình nhưng vẫn cố gắng nín nhịn vì sợ cảnh phân chia tài sản. Bà nói: "Lúc ấy, cứ nghĩ đến chuyện tiền cả đời mình làm ra rơi vào tay người đàn bà khác là tôi không chịu đựng được, dù hết tình nghĩa tôi cũng phải cố sống với ông ấy đến hết đời".

      Sau Covid-19, ông Tuấn nghỉ hưu, cả ngày quanh quẩn ở nhà, bà Thu trở thành người chăm sóc ông toàn thời gian. Dù vậy, ông Tuấn vẫn không bỏ được thói lăng nhăng. Hai người không nói chuyện suốt vài năm. Cuối cùng, được con cái vận động, bạn bè cổ vũ, đầu năm 2024, bà Thu quyết định ly hôn.

       
      Ly hôn ở tuổi xế chiều

      Ly hôn ở tuổi xế chiều đang ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia.

      Những cuộc hôn nhân đổ vỡ khi hai người bước vào tuổi xế chiều được gọi bằng thuật ngữ "ly hôn xám". Theo New York Times, tỷ lệ ly hôn xám tăng từ 1/10 (cứ 10 cặp có một cặp ly hôn xám) lên hơn 1/4 chỉ sau 20 năm. Năm 2021, Cục điều tra dân số Mỹ công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ ly hôn là khoảng 34%. Người trưởng thành trong độ tuổi từ 55 - 64 có tỷ lệ ly hôn cao nhất so với mọi lứa tuổi, ở mức 43%.

      Cơ quan thống kê quốc gia Canada chỉ ra ly hôn xám liên tục gia tăng trong độ tuổi từ 55 trở lên. Trong hai thập kỷ qua ở Nhật Bản, tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng kết hôn được 30 năm trở lên tăng gấp 4 lần.

      Theo Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Trung tâm Coaching Hạnh Phúc), có 4 lý do chính khiến các cặp vợ chồng ly hôn sau tuổi 55:

      Hội chứng tổ ấm trống trải: Một số cặp vợ chồng quá bận tâm đến việc chăm sóc con cái đến nỗi không nhận ra họ đã xa nhau đến mức nào. Khi con trưởng thành và "rời xa tổ ấm", những người này gặp khó khăn trong việc kết nối mà không có con. Đồng thời đây cũng là thời điểm họ đối mặt mãn dục ở cả nam và nữ.

      Mong muốn có cuộc sống hạnh phúc hơn: Các cặp vợ chồng trong quá khứ thường cảm thấy họ cần phải duy trì hôn nhân ngay cả khi không hạnh phúc. Ngày nay, nhiều người mưu cầu sự viên mãn ở những năm cuối đời: được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe bản thân, tham gia các hoạt động giải trí... Vì thế, họ chọn cách chia tay để "cởi trói" cho mình.

      Chấp nhận phân chia tài sản: Một trong những lý do khiến nhiều cặp thà chịu đựng còn hơn ly hôn là bởi ràng buộc về tài sản tích lũy. Ly hôn là khi họ chịu buông bỏ, chấp nhận tài sản sẽ được chia đôi và có thể người thứ ba sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, thay vì lệ thuộc vào kinh tế của đàn ông, phụ nữ dần chứng tỏ được năng lực và khả năng làm chủ tiền bạc. Tiềm lực này giúp họ mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn.

      Xã hội có cái nhìn cởi mở hơn: Các cặp vợ chồng không còn phải chịu định kiến của mọi người về ly hôn. Nhiều người được con cái, người thân, bạn bè cổ vũ, động viên nên giải thoát cho nhau.

      Hồng Hạnh 33 tuổi (TP HCM) nhớ lại trường hợp cha mẹ mình. Cô cho biết bố mẹ sống cùng nhà "nhưng coi nhau như kẻ thù", bố bạo hành mẹ cả thể xác lẫn tinh thần suốt 25 năm nhưng mẹ vẫn chịu đựng chỉ vì cái mác "gia đình hạnh phúc", mẹ sợ cô sau này đi lấy chồng phải chịu thiệt thòi. Năm 2018, sau khi mẹ chịu một trận đòn từ bố, Hạnh mua vé cho mẹ từ Hà Nội bay vào TP HCM sống với cô, quyết tâm rời xa bố. Nhưng khi máy bay gần cất cánh, cô gọi điện thì mẹ tìm lý do hoãn, nói "không thể cứ thế mà đi được, còn nhà cửa, cơm nước cho bố và em trai ở nhà". Phải đến năm 2022, khi bố mẹ đều đã ngoài 60, hai con có gia đình riêng thì họ mới chịu ly hôn. Hiện, mẹ sống cùng vợ chồng Hạnh ở TP HCM còn bố ở Hà Nội cùng con trai. Hai người có cuộc sống riêng, được con cái quan tâm, hỏi han thường xuyên. Mỗi khi gặp nhau vào dịp Tết, họ lại vui vẻ, thoải mái như chưa từng có quá khứ đau buồn. Có lần Hạnh trêu: "Hay mẹ nối lại tình xưa với bố đi", bà cười đáp: "Mãi mới thoát được giờ có cho tiền cũng không về".

      Không phải ai cũng nhanh chóng ổn định và vượt qua được cú sốc hậu ly hôn như trường hợp kể trên. Theo chuyên gia Kim Thành, mặt trái của ly hôn tuổi trung niên đầu tiên phải kể đến là sức khỏe: Một số cặp vợ chồng quen được chăm sóc, nương tựa nhau nên khi tách ra, họ khó thích nghi, dẫn đến việc sức khỏe bị suy sụp. Những người khó cân bằng nhất là những người sống phụ thuộc về kinh tế. Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh đối với người phụ nữ nên có một cuộc sống độc lập, tự chủ trước khi quyết định ly hôn. Ngoài ra, bà Kim Thành liệt kê một số mặt trái như thiếu chỗ nương tự tinh thần; thiếu kỹ năng sống một mình, dễ rơi vào cô đơn, trầm cảm; con cháu bị ảnh hưởng...

      Chưa bao giờ là quá muộn để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn tuy nhiên, sau khi quyết định ly hôn ở tuổi lão niên, chuyên gia Kim Thành đưa ra một số lời khuyên sau:

      - Không nói xấu, chia rẽ con cái, gia đình thành bè phái thêm gây tổn thương tình cảm gia đình và con cái.

      - Giữ mối quan hệ với người cũ để tiếp tục làm tốt vai trò cha mẹ.

      - Sắp xếp lại kế hoạch tài chính cá nhân và cuộc sống cá nhân.

      - Xây dựng lối sống lành mạnh thể chất và tinh thần.

      - Phát triển các mối quan hệ xã hội tin cậy, gần gũi.

      Biên dịch: Administrator